Trong thời gian gần đây, mạng xã hội nổi tiếng với hơn 1 tỷ thành viên đã chuyển từ nơi sôi động, vui vẻ của tuổi trẻ trở thành nơi các ông bố bà mẹ đưa ra những quan điểm chính trị hay đăng những bức ảnh về con cái họ. Theo ý kiến riêng của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Facebook đã mất dần sức nóng của mình.
Trở lại với câu chuyện của biên tập viên một trang tin công nghệ - Robinson Meyer khi ông may mắn có dịp được ngồi gần Tổng thống Obama trong một quán cà phê ở thành phố Atlantic. Tại đây, ngài Obama đã có dịp tiếp xúc với một số bạn trẻ và lắng nghe ý kiến của họ về Luật bảo hiểm y tế toàn dân (Affordable Care Act – ACA hay Obamacare) bên cạnh việc khuyến khích các công dân trong độ tuổi từ 18 tới 34 đăng kí tham gia chương trình Obamacare. Đối với Meyer, ông lại quan tâm tới một vấn đề khác liên quan tới lĩnh vực công nghệ và ngài Obama đã không làm ông thất vọng khi nhận xét: “Có vẻ như, họ không sử dụng Facebook nữa”.
|
Robinson Meyer có dịp được ngồi gần Tổng thống Obama và nghe câu chuyện của ông về Facebook |
Meyer tự hỏi “họ” là ai? Có thể là những thanh niên trong độ tuổi 18 tới 34 đang được khảo sát hay những con người vô danh nào đó mà chúng ta có thể chưa biết tới. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết “họ” chính là những thanh thiếu niên trong độ tuổi trên dưới đôi mươi bắt đầu nhận ra cái “vị nhạt dần” của MXH lớn nhất hành tinh.
Theo trang xếp hạng ứng dụng App Annie, Facebook được xếp hạng 50 trong số những ứng dụng được download nhiều nhất trên trang bán hàng trực tuyến iTune của Mỹ. Trong khi đó, Snapchat lại được xếp thứ hạng cao hơn, trong top 20 ứng dụng. Mặc dù vào cuối năm 2013, Facebook (nhận được sự hỗ trợ, có thể từ phía App Store - TechCrunch) đã leo lên vị trí thứ 14 trong danh sách phần mềm được tải nhiều và đứng thứ 3 trong danh sách các MXH nhưng nó vẫn “dưới cơ”Snapchat (ở vị trí thứ 6). Tuy ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram của Facebook cũng gỡ gạc được phần nào khi leo lên vị trí thứ 11 nhưng theo ý kiến của nhiều người, nó vẫn không đặc sắc bằng các chức năng xem ảnh và video của Snapchat.
Mặc dù vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận được lượng thành viên đông đảo của Facebook với hơn 1 tỷ người và là website phổ biến thứ ba thế giới sau Google và YouTube. Không những vậy, nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng, Facebook và Facebook Messenger là những ứng dụng không thể thiếu trên thiết bị di động. Tuy nhiên, khi sinh viên không còn coi đây là nơi bàn tán, chia sẻ những bức ảnh kỉ niệm của mình, hay các cô, cậu bé dành thời gian để chơi các trò chơi trên MXH nữa thì Facebook lại là nơi tụ họp của các gia đình khi các ông bố bà mẹ đăng những bức ảnh ngẫu hứng hằng ngày hay kiểm soát con cái mình từ xa. Do đó, vô tình chung, độ tuổi của người dùng Facebook ngày càng bị “thoái hóa” từ 14 -22 tuổi nay trở thành 12 – 50 tuổi.
Không những vậy, hoạt động kinh doanh của Facebook phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phổ biến của nó trong xã hội. Với lượng thành viên tương đương 1/8 dân số thế giới, dữ liệu xã hội của người dùng trở thành công cụ giao thương giữa MXH với các công ty thứ 3 – những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ quảng cáo. Hiện nay, Facebook vẫn đang thể hiện chỗ đứng của mình như một trong những công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo thành công nhất thế giới.
Tuy nhiên, trước khi trở nên phổ biến toàn thế giới, Mark Zuckerberg đã phải nỗ lực rất nhiều để đưa MXH của mình đến với vị trí như hiện nay, đặc biệt trong việc loại bỏ các đối thủ tiềm năng. Điển hình như MXH chia sẻ ảnh Instagram, khi họ mới manh nha với 30 triệu người dùng trong độ tuổi thanh thiếu niên, Facebook đã phải “vô hiệu hóa” mối đe dọa của mình bằng thương vụ 1 tỷ USD. Nhưng, đó chưa phải là tất cả khi “tin nhắn ma” Snapchat xuất hiện với tính năng nhắn tin và tự hủy trong một thời gian ngắn đã tạo nên cơn sốt trong giới trẻ và góp phần khiến nhiều thiếu niên “quay lưng” lại với MXH lừng lẫy một thời. Để giải quyết vấn đề của mình, Facebook đã tung ra trình nhắn tin học theo Snapchat là Poke để thu hút người dùng quay trở lại nhưng thất bại. Tiếp đó hãng áp dụng sức mạnh tài chính với cái giá 3 tỷ USD dành cho ứng dụng trên nhưng cũng không suy chuyển bộ đôi “cha đẻ” của Snapchat.
Ngày từng ngày trôi qua, giới chuyên môn bắt đầu có những đánh giá thiếu thiện cảm về Facebook hơn khi cho rằng: Hãng đã khác xa so với Apple và ngày càng giống Dell. Trong thời điểm các MXH bắt đầu manh nha phát triển hòng cạnh tranh chỗ đứng với Facebook thì chỉ có Google+ đạt được một số thành tựu nhất định trong cuộc chiến cạnh tranh thị phần (chúng ta cũng biết rằng, Google cũng là một công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo bên cạnh việc tìm kiếm).
Mark ý thức được điều này và anh chấp nhận việc Facebook đã mất dần chỗ đứng trong lòng giới trẻ và chuyển mục tiêu “MXH phổ biến nhất” sang có giá trị nhất (trong kinh doanh). Và tới thời điểm này, nó vẫn phát huy được xu thế kể trên khi người dùng vẫn download ứng dụng MXH của hãng, các công ty vẫn trả tiền để được xuất hiện trên “màn hình xanh” và Messenger vẫn là một công cụ nhắn tin phổ biến với nhiều bạn trẻ.
Nhưng rồi, mọi thứ cũng sẽ thay đổi, ngay cả Tổng thống Obama cũng nghĩ vậy. Thanh thiếu niên sẽ tìm đến những thứ mới mẻ hơn và sẽ có nhiều hơn một Evan Spiegel (cha đẻ của Snapchat) xuất hiện để “đe dọa” vị thế của Facebook hiện nay. Khi đó, các công ty sẽ tìm thấy nhiều hơn một nơi để đăng tin quảng cáo và thị trường quảng cáo trực tuyến sẽ lại sôi động trở lại.
Nhưng đó là chuyện của tương lai. Bạn có đồng ý không?