OTT có thể là một khái niệm xa lạ đối với nhiều người, tuy nhiên khi nhắc đến các đại diện tiêu biểu của nó như Zalo, Kakao Talk hay Viber thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đến.
Năm 2013 là thời điểm chứng kiến sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống với các OTT hay các nhà cung cấp các dịch vụ thoại, nhắn tin cũng như chat miễn phí.
Ngay từ những ngày đầu của năm 2013, thị trường ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) tại Việt Nam đã rất sôi động với những chiến dịch quảng bá rầm rộ của 5 sản phẩm chính là Wechat, Line, Viber, Zalo và Kakao Talk. Trong các sản phẩm này, Wechat mạnh nhất với số lượng người dùng đạt gần 1 triệu, còn Zalo (sản phẩm Việt Nam duy nhất) đứng cuối bảng và vừa “chết hụt” vì đi sai đường ngay ở thời điểm mới ra đời.
Tuy nhiên, thế trận có chút đổi chiều khi ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) Việt Nam là Zalo có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng App Store (đứng số 1) sau những cải tiến mạnh mẽ về sản phẩm. Với việc chỉ tập trung vào nhắn tin nhanh và ổn định Zalo đã nhanh chóng “cướp” được vị trí dẫn đầu vốn vẫn nằm trong tay Wechat từ lâu. Điều này một phần là do, vào cuối tháng 1/2013, Wechat dính phải scandal tích hợp bản đồ “Đường lưỡi bò” vào sản phẩm và bị người dùng Việt Nam phát hiện. Kể từ thời điểm này, Wechat lao dốc và mất vị trí dẫn đầu trên thị trường.
Bên cạnh Wechat và Zalo, LINE – một OTT đến từ Nhật Bản cũng từng một thời khá nổi trên thị trường sau khi tung ra rất nhiều các chiến dịch truyền thông quảng bá nhằm đánh bóng tên tuổi của mình tại thị trường Việt Nam. Sau rất nhiều những nỗ lực đó, LINE đã dần chen được vào vị trí top 3 những OTT được sử dụng phổ biến nhất trên thị trường di động Việt.
Tuy nhiên một bất ngờ đã xảy đến khi công ty này mới đây vừa tuyên bố chính thức rút lui khỏi thị trường Việt Nam sau khoảng thời gian ngắn đầu tư với số tiền lên đến hàng chục triệu đô la Mỹ. Lý do được lãnh đạo của LINE đưa ra là họ muốn tiết kiệm nguồn tài nguyên của mình nhằm hướng đến các thị trường khác tiềm năng hơn là Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhiều doanh nghiệp OTT phải nhanh chóng dời bỏ cuộc chơi vì không tìm được chỗ đứng
Tương tự như vậy là Kakao Talk của tập đoàn Kakao. Ứng dụng Hàn Quốc này cũng đã sớm đo sân ngay từ thời điểm mà 2 đối thủ nặng kí của nó là LINE và Zalo đạt đến con số người dùng lần lượt là 4 và 7 triệu người sử dụng. Với việc chính thức rút lui của Kakao Talk và LINE khỏi thị trường Việt Nam, mảnh đất màu mỡ giờ chỉ còn là cuộc cạnh tranh song mã giữa Zalo và Viber - một ứng dụng vốn rất phổ biến ngay từ thời điểm phong trào smartphone còn đang phát triển.
Theo những thống kê không chính thức tại thị trường Việt Nam, Zalo đã cán mốc 1 triệu người dùng vào thời điểm đầu tháng 3 của năm 2013. Rất nhanh chóng sau đó, đến tháng 5 Zalo đã đạt cột mốc 2 triệu người dùng và đến những tháng cuối cùng của năm 2013, OTT này đã trở thành ứng dụng nhắn tin được nhiều người dùng nhất tại Việt Nam với hơn 7 triệu người sử dụng.
Còn đối với Viber dù chỉ sở hữu một lượng thị phần nhỏ hơn nhiều nhưng với việc không phải bỏ quá nhiều tiền vào công tác truyền thông và quảng bá như các đối thủ, công ty đến từ Israel này vẫn sống tốt ở Việt Nam, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Với sự xuống dốc nhanh chóng của các doanh nghiệp nước ngoài, Zalo nhanh chóng trở thành ông vua của thị trường OTT nội địa
Nhìn lại thị trường OTT tại Việt Nam năm 2013, có thể thấy Zalo là cái tên nổi bật hơn cả. Điều này đến từ sự đầu tư đúng đắn và có trọng điểm vào công tác truyền thông của Zalo. Bên cạnh đó, sự xuống sức bất ngờ của các địch thủ cũng là một trong những lý do khiến ứng dụng OTT nội địa này được dịp xướng lĩnh trên thị trường.
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của các loại hình công ty internet nội địa, một loại hình dịch vụ có thể hái ra tiền và cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp đến từ nước ngoài nếu được đầu tư đúng cách. Mặt khác, việc phát triển một cách quá nhanh và mạnh chỉ trong một thời gian ngắn của các OTT cũng tạo áp lực không nhỏ lên các công ty viễn thông di động tại Việt Nam. Đây là một thách thức cho các doanh nghiệp này, tuy nhiên nó cũng là một động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành viễn thông, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm và đảm bảo tối đa các lợi ích dành cho người tiêu dùng.
Chắc chắn trong năm 2014, cuộc đua trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ viễn thông tại thị trường Việt Nam sẽ còn khốc liệt hơn năm vừa qua. Đặc biệt là khi vừa xuất hiện không ít những tin đồn về việc ứng dụng OTT phổ biến Viber chuẩn bị rơi vào tay người Trung Quốc. “Thị trường di động Việt trong thời gian tới sẽ còn bùng nổ đến mức nào ?” Có lẽ bằng giờ năm sau, câu hỏi này mới có lời giải đáp.