Giai đoạn cuối năm lúc nào cũng là khoãng thời gian mà điện thoại nói chung và các mặt hàng khác đua nhau giảm giá.
Đã thành thông lệ cuối năm, cứ càng gần tới dịp Tết Nguyên Đán thì sức mua hàng của người dân bắt đầu tăng mạnh vì ai cũng muốn sắm sửa để đón một trong những kỳ nghỉ dài ngày nhất năm. Trước tình hình kinh tế ngày càng phát triển, mức sống của người dân được nâng cao, smartphone đã dần trở thành một trong những danh mục mua sắm cuối năm mà nhiều người cân nhắc.
Lẽ tất yếu, có cầu ắt có cung, các cửa hàng điện thoại cùng những đại lý điện máy thường tung ra nhiều đợt khuyến mãi khủng trong thời điểm này nhằm kích thích sức mua của khách hàng. Các chính sách này thường khá đa dạng về mẫu mã sản phẩm cùng giá thành cạnh tranh cho đến rất nhiều hỗ trợ khác. Tuy nhiên, không phải khuyến mãi nào cũng đem đến những tác động tích cực và nếu không là một người dùng thông minh, chúng ta sẽ bị dễ huyễn hoặc bởi cơ hội mua hàng giá rẻ nhưng không hề biết mình đang bị móc hầu bao nhiều hơn thế hoặc chỉ rước cục tức vào người.
Giảm giá sốc nhưng lại như không giảm
Trong thời buổi cạnh tranh thì bên cạnh số ít các khuyến mãi "xịn" lại có rất nhiều chương trình khuyến mãi rầm rộ, hấp dẫn nhưng một phần không nhỏ trong số đó thực chất chỉ là những chiêu trò câu khách của các siêu thị, cửa hàng, bằng cách đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng.
Điển hình nhất là chiêu trò bí mật nâng giá của điện thoại đó lên cao hơn so với giá gốc của nhiều cửa hàng. Sau đó, họ tiến hành quảng cáo là giảm giá cực "sốc" nhưng thực chất những món hàng này chỉ được giảm giá rất ít, thậm chí là không hề giảm so với giá gốc. Tinh vi hơn nữa, một số nơi bán điện thoại còn vờ tung khuyến mãi khủng nhằm lôi kéo người mua đến nơi rồi mặc nhiên nói rằng đã hết hàng khuyến mãi để giới thiệu sang mua một mẫu điện thoại khác cũng mang danh giảm giá.
Khuyến mãi quà tặng dởm
Bên cạnh việc vờ giảm giá thì cũng tồn tại hình thức khuyến mãi mua điện thoại tặng kèm quà tặng giá trị lớn mà giá trị các món quà tặng này thực sự không hề đáng giá. Lấy ví dụ như kiểu khuyến mãi SIM trị giá 1,2 triệu đồng nhưng thực ra chỉ là chiếc SIM vài chục nghìn, được cộng tài khoản hàng tháng 25.000 đồng trong suốt 4 năm. Hay như các phụ kiện khuyến mãi đi kèm như dock sạc, case bảo vệ, miếng dán với trị giá một triệu đồng. Thực ra, tổng giá trị của gói hàng tặng kèm đó chỉ chưa đến 300.000 đồng. Đó là chưa kể tới nguy cơ của các phụ kiện khuyến mãi này có thể bị lỗi, hỏng.
Chính vì thế người dùng trước mỗi thông tin khuyến mãi cần nâng cao ý thức tự tìm hiểu thật kỹ trước khi móc hầu bao lãng phí, tuyệt đối không nóng vội hoặc có suy nghĩ phải đăng ký mua ngay kẻo hết sản phẩm khuyến mãi này do nhiều khi các cửa hàng chỉ tung ra chiêu bài đó nhằm kích thích khách hàng.
Hàng cũ, mới lẫn lộn
Trong số các cửa hàng bán khuyến mãi điện thoại, có một tỷ lệ không nhỏ đã lợi dụng dịp mua hàng cuối năm để "tẩu tán" các "chú dế" cũ được "mông má" lại của mình với mức giá giảm khá nhiều. Trước tình trạng "vàng thau lẫn lộn" này, chúng ta nhất thiết phải kiểm tra hàng thật kỹ lưỡng trong khả năng có thể khi mua điện thoại khuyến mãi.
Các thao tác kiểm tra không thể thiếu được bao gồm vỏ máy, màn hình cảm ứng, Wi-Fi, các vết xước, phụ kiện kèm theo... Những thao tác kiểm tra này được thực hiện khá dễ dàng và không mất nhiều thời gian. Cũng không nên quên xem thật kỹ các điều kiện bảo hành, vì một số nơi khuyến mãi điện thoại lại đưa ra điều kiện bảo hành rất mập mờ, vô lý, dù rằng chấp nhận bảo hành điện thoại tới 12 tháng.
Đơn cử như không bảo hành màn hình, bo mạch máy, camera... Thế nên, trước khi quyết định ký vào tờ đơn nhận máy, hãy tự hỏi rằng liệu những điều kiện bảo hành như vậy có xứng đáng với số tiền mà mình bỏ ra hay không. Đã có trường hợp mua máy không kiểm tra kỹ bảo hành, đến khi điện thoại gặp sự cố thì nơi bán hàng từ chối bảo hành với lý do là không phù hợp với điều kiện bảo hành, khiến người dùng muốn cãi lại cũng khó có cửa cãi lại.
Tạm kết
Lừa đảo núp bóng khuyến mãi để bán hàng kém chất lượng đang trở nên rầm rộ hơn khi mỗi dịp cuối năm những kẻ trục lợi lại dở chiêu bài” xả hàng” để lừa người tiêu dùng. Do vậy, tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy cuối năm là cần thiết để đón một cái Tết thật vui vẻ. Để làm điều đó, mỗi người dùng chúng ta hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin khuyến mãi cũng như cửa hàng mà mình chọn mặt gửi vàng trước. Bằng cách đó, mỗi đồng tiền chúng ta bỏ ra sẽ có giá trị hơn rất nhiều trong thời buổi còn nhiều khó khăn này.